Quản trị nhân lực là một trong những ngành đang khá hot hiện nay bởi lẽ các tổ chức và doanh nghiệp đang ngày càng đề cao tính ổn định và hoạt động hiệu quả cao cho các hoạt động của mình. Có khá nhiều bạn đang định hướng theo ngành này, chính vì vậy mà bài viết hôm nay của Santafetrailco sẽ giải thích về chủ đề Quản trị nhân lực là gì? Ngành quản trị nhân lực học gì và học ở đâu?
I. Quản trị nhân lực là gì?
Để nói về khái niệm quản trị nhân lực thì có khá nhiều quan điểm và ý kiến có phần khác nhau. Tuy vậy, trên thực tế thì các ý kiến đều đúng, mỗi quan điểm sẽ nói về một khía cạnh riêng của quản trị nhân lực và chúng bổ sung cho nhau.
Theo giáo sư Felix Migro: “Quản trị nhân lực là một nghệ thuật chọn lựa nhân viên mới và sử dụng các nhân viên cũ sao cho năng suất và chất lượng công việc của mỗi người đều đạt mức tối đa có thể”.
Nói một cách dễ hiểu thì quản trị nhân lực là công tác quản lý nguồn nhân lực của một tổ chức, công ty, xã hội, nguồn nhân lực một cách hợp lý và hiệu quả. Đây sẽ là yếu tố giúp cho các tổ chức, công ty quản lý người lao động và giúp cho họ phát huy được tối đa năng lực, sự tận tâm và nhiệt huyết với công việc cua công ty.
Trong công ty thì trách nhiệm của bộ phận quản trị nhân lực là thu hút, tuyển dụng, đào tạo, đánh giá, và tưởng thưởng người lao động, đồng thời giám sát lãnh đạo và văn hóa của tổ chức, và bảo đảm phù hợp với luật lao động và việc làm.
II. Đặc thù công việc của ngành quản trị nhân lực
Để có thể định hình được công việc của ngành quản trị nhân lực thì có thể tóm tắt bằng những công việc chính như sau:
1. Thu hút và tuyển dụng nhân lực
Đối với công việc thu hút và tuyển dụng nhân lực thì công việc chính là luôn đảm bảo về số lượng nhân lực để đáp ứng yêu cầu của công việc và sau đó lên kế hoạch tuyển dụng theo chỉ thị của cấp trên. Một số hoạt động diễn ra của công việc này là: Hoạch định nhu cầu nhân viên, Phân tích công việc, tuyển dụng nhân viên.
2. Đào tạo và nâng cao chuyên môn nhân lực
Công việc này của ngành quản trị nhân lực chính là tiếp nhận nhân lực mới để đào tạo và phát triển, nâng cao năng lực cho các nhân viên cũ. Mục đích của công việc này chính là đảm bảo cho nhân viên trong doanh nghiệp có các kỹ năng, trình độ lành nghề cần thiết để hoàn thành tốt công việc được giao và tạo điều kiện cho nhân viên được phát triển tối đa các năng lực cá nhân.
Các hoạt động cần làm khi tham gia công việc này đó chinh là: Lên chương trình đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng nâng cao trình độ lành nghề và cập nhật kiến thức-phương pháp quản lý mới, kỹ thuật công nghệ mới cho cán bộ quản lý và cán bộ chuyên môn nghiệp vụ.
3. Nâng cao hiệu quả sử dụng lao động
Công việc này có nhiệm vụ là kích thích, động viên nhân viên và duy trì, phát triển các mối quan hệ lao động tốt đẹp trong doanh nghiệp. Nhiệm vụ này sẽ liên quan đến các chính sách và các hoạt động nhằm khuyến khích, động viên nhân viên trong các doanh nghiệp làm việc hăng say, tận tình, có ý thức trách nhiệm và hoàn thành công việc với chất lượng cao.
4. Duy trì chức năng quan hệ lao động
Chức năng quan hệ lao động liên quan đến các hoạt động: ký kết hợp đồng lao động, giải quyết khiếu tố, tranh chấp lao động, giao tế nhân viên, cải thiện môi trường làm việc, y tế, bảo hiểm và an toàn lao động.
Giải quyết tốt chức năng quan hệ lao động sẽ giúp tạo mối quan hệ tốt giữa doanh nghiệp và người lao động.
III. Ngành quản trị nhân lực cần học những gì và học ở đâu?
1. Những kiến thức cần học về ngành quản trị nhân lực
Với yếu tố “khai thác nguồn tài nguyên con người” cho nên ngành quản trị nhân lực sẽ cần học về các kiến thức sau:
- Kiến thức tổng quan và chuyên sâu về nguồn nhân lực.
- Mối quan hệ tương tác giữa người quản lý và người lao động.
- Các kiến thức về cơ cấu tổ chức và các nguyên tắc tổ chức hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.
- Nguyên lý căn bản về quản trị kinh doanh và doanh nghiệp.
- Cách thức và quy trình quản trị nhân lực trong doanh nghiệp, tổ chức.
- Những nguyên lý, nguyên tắc, nội dung, phương pháp quản trị nguồn nhân lực.
- Các phương pháp nghiên cứu và đo lường mức độ hiệu quả công việc.
- Các văn bản pháp luật liên quan đến đến lao động, nguồn nhân lực.
- Bảo hiểm xã hội và những chính sách dành cho người lao động.
2. Các trường Đại học đào tạo ngành quản trị nhân lực
Hiện nay ngành quản trị nhân lực được đào tạo ở rất nhiều các trường đại học, cao đẳng trên cả nước, bạn có thể tham khảo những trường đại học sau đây:
Khu vực phía Bắc
- Đại học Kinh tế Quốc dân
- Đại học Công đoàn
- Đại học Khoa học xã hội và nhân văn – ĐHQG Hà Nôi
- Đại học công nghiệp Hà Nội
- Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội
- Đại học Thương mại
Khu vực miền Trung
- Đại học Kinh tế – ĐH Huế
- Đại học Kinh tế – ĐH Đà Nẵng
Khu vực phía Nam
- Đại học Kinh tế – tài chính TP. HCM
- Đại học Lao động Xã hội – Cơ sở TP. HCM
- Đại học Hoa Sen
- Đại học Kinh tế TP. HCM
IV. Tiềm năng của ngành Quản trị nhân lực
Ngành quản trị nhân lực hiện nay khá “khan ứng viên” cho nên với một số vị trí công việc có phần đơn giản sẽ tuyển dụng sinh viên trái ngành nhưng xét về mức độ thăng tiến thì sẽ khó có thể nhanh như người trong nghề. Hiện nay, các cử nhân ngành quản trị nhân lực khi ra trường sẽ có thể làm việc tại những vị trí như sau:
- Chuyên viên tuyển dụng
- Chuyên viên quản lý đào tạo
- Chuyên viên truyền thông và xử lý quan hệ nội bộ
- Chuyên viên lương và chính sách đãi ngộ
- Hành chính nhân sự
- Hoạch định và đào tạo nhân sự
- Quản lý đào tạo
Có khá nhiều vị trí cho các bạn lựa chọn khi ra trường và trong đó chuyên viên tuyển dụng sẽ là vị trí khá dễ dàng khi mới bước chân vào ngành này.